Áp sàn giá vé máy bay: Người dân thiệt thòi, chỉ lợi cho hãng lớn

Áp sàn giá vé máy bay: Người dân thiệt thòi, chỉ lợi cho hãng lớn

- in Doanh Nghiệp
191


Dân trí

Giới chuyên gia cho rằng nếu áp giá sàn vé máy bay, “xóa sổ” vé 0 đồng, vé giá rẻ, thì bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là những người có nhu cầu đi lại cá nhân, nhất là người thu nhập thấp.

Việc áp giá sàn vé máy bay 320.000 đồng/chiều/hành khách, đồng nghĩa với “xóa sổ” vé giá rẻ 0 đồng, đang làm “nóng” dư luận. 

Cụ thể, theo dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thông qua, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế – xã hội là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Dù theo lý giải của Cục Hàng không là đề xuất trên mang chất giải quyết tình huống trong bối cảnh hàng không khó khăn thì người tiêu dùng và không ít chuyên gia vẫn phản ứng tương đối gay gắt. Trong bối cảnh nền kinh tế sẽ mở cửa khi dịch được kiểm soát, không ít ý kiến cho rằng quy định “áp sàn” giá vé máy bay sẽ có thể khiến cho nhu cầu đi lại, kích cầu du lịch bị triệt tiêu. 

Áp sàn giá vé máy bay, người dân thiệt thòi

Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour, cho biết, không nên áp giá sàn vé máy bay mà để thị trường quyết định. Việc áp giá sàn sẽ khiến chi phí giá vé máy bay tăng lên, đồng nghĩa giá tour trọn gói ở các công ty lữ hành cũng tăng theo.

“Giá vé máy bay hiện chiếm 70% giá tour du lịch. Giả sử, khách đặt tour Đà Nẵng với giá 5 triệu đồng thì giá vé máy bay sẽ rơi vào khoảng 3,2 – 3,5 triệu đồng. Nếu các hãng hàng không tăng giá vé thì đơn vị lữ hành cũng phải tăng giá tour và khách hàng sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để chi trả”, ông nói. 

Theo ông Năng, hiện nay, mỗi hãng hàng không đều có những phân khúc khách hàng khác nhau từ bình dân cho đến cao cấp. Việc lựa chọn hãng bay sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Nếu áp sàn giá máy bay, lợi thế sẽ nghiêng về một số hãng, đặc biệt là hãng lớn, từ đó sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

Xem thêm  Sumitech - Đơn vị xây dựng nhà xưởng, giải pháp công nghiệp uy tín
Áp sàn giá vé máy bay: Người dân thiệt thòi, chỉ lợi cho hãng lớn - 1

Vé máy áp giá sàn, doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng nặng? (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn). 

Chị N.H., chủ một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, thì cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay và không còn vé giá rẻ 0 đồng sẽ ảnh hưởng lớn đến những khách săn vé lẻ, trong số này có người lao động, người thu nhập thấp. Theo chị H., áp sàn giá vé máy bay sẽ khiến đa phần người dân mất đi cơ hội đi máy bay giá rẻ. Còn doanh nghiệp như chị H. thông thường đã làm việc trực tiếp với hãng, đặt cọc trước 6-12 tháng nên sẽ ít tác động trước mắt. 

Còn theo chị N.M., chủ một đơn vị lữ hành tại Hà Nội, việc áp giá sàn vé máy bay, theo chị M., sẽ khiến chi phí tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đi du lịch của người dân. Chị M. cho biết, vé máy bay chiếm khoảng 60% giá trị trong một tour trọn gói nhưng trong năm 2020 các hãng vẫn hỗ trợ giá vé nên chỉ chiếm khoảng 40% tổng giá tour. Do đó mà 2 năm gần đây, giá tour cũng rẻ hơn gần 50% so với những năm trước. Giá giảm sâu, song số lượng tour nội địa cũng giảm 80% trong năm 2020, tour quốc tế cũng buộc phải tạm dừng.

Nguyễn Thùy Trang, một travel blogger ở Hà Nội, cho biết, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chị thường đi du lịch trong nước khoảng 4 – 6 lần/tháng. Để tiết kiệm chi phí, chị thường săn vé máy bay 0 đồng cho nên giá vé khứ hồi cao nhất cho một chuyến bay nội địa mà chị phải bỏ ra thường chỉ là 1,2 triệu đồng.

“Nếu áp sàn giá vé máy bay, tôi chắc sẽ phải cân nhắc lại các chuyến đi vì với một người bay nhiều như tôi, giá vé tăng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền rất nhiều, thậm chí là ảnh hưởng tới cả công việc”, chị nói.

Chỉ hãng bay lớn được lợi 

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa là không hợp lý. Làm như thế (áp giá sàn – PV) sẽ gây khó cho chính doanh nghiệp hàng không. Bởi nhiều khi doanh nghiệp muốn giảm giá vé nhưng không thể giảm được, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang muốn kích cầu. Hơn nữa, việc áp sàn vé máy bay còn gây thiệt cho người tiêu dùng.

“Giả sử, doanh nghiệp muốn giảm giá vé xuống 0 đồng mà giờ phải áp dụng giá sàn tối thiểu như thế nghĩa là người tiêu dùng phải trả giá sàn đó. Cho nên, việc này vừa làm khó cho doanh nghiệp, vừa làm khó, gây bất lợi cho người tiêu dùng”, ông phân tích.

Xem thêm  TPHCM nới lỏng giãn cách, các nhà hàng lớn "mừng ít, lo nhiều"

Ngoài ra, ông Lực nhận định, việc áp sàn giá vé máy bay đang can thiệp, tác động sâu vào doanh nghiệp, hơn nữa là đi ngược lại chủ trương nền kinh tế thị trường. Do đó, các cơ quan chủ quản phải đánh giá kỹ tác động của chính sách trước khi ban hành phải đặt lên bàn cân để xem có lợi, có hại như thế nào.

Đồng quan điểm, ông Ngô Trí Long, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, đặt ra câu hỏi, đề xuất áp giá sàn vé máy liệu có vi phạm pháp luật hay không, có đúng với nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường hay không? 

“Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có nhiều phương thức quản lý khác nhau và sẽ  tùy thuộc vào từng thị trường. Giả sử với thị trường điện, Nhà nước sẽ đưa ra các định giá cụ thể. Còn với thị trường cạnh tranh nhiều người mua và người bán, giá cả sẽ phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Nếu một thị trường có doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm trên 30% thị phần) thì Nhà nước có cách quản lý riêng”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, ngành hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng hoạt động, trong đó, có những doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước phải quy định giá trần để doanh nghiệp không bán vượt giá tối đa để bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, Luật Hàng không cũng đưa ra quy định giá cước vận chuyển hành khách tính theo khung giá thì có giá trần và giá sàn, trong đó giá sàn bằng 0, nghĩa là không có giá sàn.

Do đó, theo ông Long, việc áp giá sàn vé máy bay là không hợp lý, sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay là bất hợp lý. Bởi các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường được phép cạnh tranh và đưa ra các loại giá hấp dẫn miễn là không vi phạm pháp luật.

“Các doanh nghiệp hàng không có thể đưa ra loại vé máy bay giá rẻ, thậm chí là vé 0 đồng với số lượng nhất định. Thế nên, các cơ quan quản lý không nên can thiệp vào việc kinh doanh của doanh nghiệp, bởi lỗ hay lãi doanh nghiệp đều phải tự chịu”, ông nói.

Xem thêm  Tập đoàn MQ Group tổ chức đại tiệc vinh danh tại Dinh Độc Lập

Theo ông Thịnh, ở Việt Nam, có một số doanh nghiệp đang chiếm thị trường hàng không với tỷ lệ lớn, cho nên, việc quy định giá trần là hợp lý, còn việc áp giá sàn là không nên. Ngoài ra, ông phân tích, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay sẽ có nhóm doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất chính là “các hãng hàng không có thị phần lớn, có tình hình kinh doanh khó khăn thì họ mới đưa ra cái khống chế giá sàn, từ đó buộc các hãng hàng không giá rẻ nâng giá lên”.

Hiện chưa rõ có hãng hàng không nào liên quan đến đề xuất của Cục Hàng không về áp sàn giá vé máy bay, “xóa sổ” giá 0 đồng mới đây làm “nóng” dư luận hay không.

Song trước đó, tháng 8, thị trường đã râm ran thông tin Vietnam Airlines tái đề nghị nâng mức giá trần và áp dụng giá sàn, khung giá vé máy bay. Tuy nhiên khi đó, đại diện hãng này trả lời Dân trí, cho biết “không rõ thế nào, chưa ai làm gì cả”. 

Vào tháng 3/2017, Vietnam Airlines cũng từng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay với hạng vé phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, giá trần là 4,2 triệu đồng với đường bay cự ly trên 1.280 km. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Giao thông chấp thuận do gây ra những ý kiến trái chiều, đa số là phản đối.

Còn với đề xuất lần này liên quan đến giá sàn, không ít ý kiến cho rằng nếu là đề xuất liên quan hãng hàng không nào đó, đặc biệt lại là hãng bay giá rẻ, thì chẳng khác nào họ đang “tự bắn vào chân mình”. Bởi lẽ nếu hãng bay giá rẻ lại đi đề xuất áp giá tối thiểu, “xóa sổ” vé 0 đồng thì không khác gì đang “đuổi” khách, làm ảnh hưởng tới chính lợi nhuận của mình.  

Hiện thị trường hàng không tại Việt Nam có 6 hãng hoạt động gồm Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines, Bamboo Airways, VASCO, Vietravel Airlines. Giai đoạn chưa bùng phát dịch Covid-19 và việc bay thương mại còn thông suốt, không ít hãng cũng thường đưa chương trình khuyến mại, vé giá rẻ, vé 0 đồng cho hành khách… 

Thế Hưng – Hoàng Dung

Nguồn: dantri.com.vn

You may also like

Dịch vụ SEO tổng thể uy tín, bền vững SEOStartUp

Dịch vụ SEO tổng thể SEOStartup cung cấp