Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn hóa ra cũng xuất hiện ở trẻ em: Những con số đáng báo động và dấu hiệu nhận biết

Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn hóa ra cũng xuất hiện ở trẻ em: Những con số đáng báo động và dấu hiệu nhận biết

- in Gia Đình
192

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, người lớn chúng ta thường xuyên than phiền về những căng thẳng họ phải đối mặt. Đâu đâu cũng có một câu chuyện buồn và căng thẳng về việc đương đầu với một năm rất khó khăn, đầy cô lập, mất mát, bi kịch, với cuộc sống bị gián đoạn và công việc bị ảnh hưởng.

Các phụ huynh mang gánh nặng trên vai với đầy trách nhiệm, lo lắng cho bản thân và gia đình, nhưng họ cũng chứng kiến con cái của mình vật lộn, và trên toàn thế giới, mối quan tâm về trầm cảm và tự tử ở những người trẻ tuổi ngày càng lớn dần.

Nhưng không chỉ người lớn hay thanh thiếu niên bị đau khổ và buồn bã, trẻ nhỏ cũng có thể bị trầm cảm, nhưng triệu chứng có thể rất khác, điều này khiến cha mẹ hoặc bác sĩ gặp khó khăn trong việc nhận biết và giúp đỡ.

Rachel Busman, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Tâm trí Trẻ em ở Thành phố New York (Mỹ), nói với New York Times rằng thật khó để nghĩ về trầm cảm ở trẻ nhỏ, vì chúng ta thường hình dung thời thơ ấu là khoảng thời gian hồn nhiên và vui vẻ. Nhưng có tới 2 đến 3% trẻ em từ 6 đến 12 tuổi ở Mỹ có thể bị trầm cảm nghiêm trọng, cô nói. Và trẻ em bị rối loạn lo âu, chiếm hơn 7% trẻ em từ 3 đến 17 tuổi, cũng có nguy cơ bị trầm cảm.

Tiến sĩ Helen Egger, chủ nhiệm khoa tâm thần trẻ em và vị thành niên tại trung tâm y tế N.Y.U. Langone Health, cho biết: Theo nghiên cứu dịch tễ học của cô, từ 1 đến 2% trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bị trầm cảm.

Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn hóa ra cũng xuất hiện ở trẻ em: Những con số đáng báo động và dấu hiệu nhận biết - Ảnh 1.

Thật khó để nghĩ về trầm cảm ở trẻ nhỏ vì chúng ta thường hình dung thời thơ ấu là khoảng thời gian hồn nhiên và vui vẻ. (Ảnh minh họa)

Trầm cảm ban đầu được cho là một vấn đề của người lớn. Maria Kovacs, giáo sư tâm thần học tại Trường Y, Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho biết: Trong những năm 1950 và 1960, có những bác sĩ tâm thần trẻ em tin rằng trẻ em chưa có đủ bản ngã để cảm thấy trầm cảm. Nhưng nghiên cứu khác mà Kovacs thực hiện cùng các đồng nghiệp thực hiện vào những năm 70 chỉ ra rằng “trẻ em ở độ tuổi đi học có thể bị trầm cảm có thể chẩn đoán được”.

Trước tuổi vị thành niên, sự phổ biến của trầm cảm là như nhau ở trẻ em gái và trẻ em trai. Nhưng ở trẻ vị thành niên, trầm cảm phổ biến gấp đôi ở trẻ em gái, và tỷ lệ này sau đó giữ nguyên trong phần lớn cuộc đời còn lại. Đến tuổi già, sự phổ biến của trầm cảm quay về trạng thái cân bằng giữa nam và nữ.

Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ nhỏ

Xem thêm  Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Sau cùng ai là người đau khổ nhất và cái giá của NGOẠI TÌNH đắt đỏ, tàn nhẫn đến thế nào?

Theo tiến sĩ Kovacs, khi trẻ nhỏ bị trầm cảm, các em sẽ có “tâm trạng cơ bản là cáu kỉnh chứ không phải buồn bã”. Và trẻ em ít có khả năng hiểu rằng những gì chúng đang cảm thấy là trầm cảm. Tiến sĩ Kovacs nói: “Hầu như không bao giờ xảy ra trường hợp các em nói rằng ‘Có điều gì đó không ổn vì con đang buồn’”. Người lớn phải tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn, Kovacs nói.

Cách tốt nhất để cha mẹ nhận biết bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ là qua những gì trẻ làm – hoặc không làm nữa. Hãy tìm “những thay đổi đáng kể trong hoạt động khi một đứa trẻ ngừng chơi với những thứ yêu thích, ngừng phản ứng với những thứ mà nó đã từng phản ứng”, tiến sĩ Kovacs giải thích.

Điều này có thể có nghĩa là một đứa trẻ mất hứng thú với đồ chơi hoặc trò chơi, trò đùa mà trước đây chúng yêu thích, hoặc dường như không quan tâm đến cuộc sống gia đình bình thường.

Tiến sĩ Egger, giám đốc y tế và khoa học tại Little Otter, một công ty chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tuyến cho trẻ em, nói về trầm cảm ở trẻ em: “Con bạn bỗng nhiên thay đổi, trở nên cáu kỉnh và buồn bã hơn”.

Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn hóa ra cũng xuất hiện ở trẻ em: Những con số đáng báo động và dấu hiệu nhận biết - Ảnh 2.

Cách tốt nhất để cha mẹ nhận biết bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ là qua những gì trẻ làm – hoặc không làm nữa. Hãy tìm “những thay đổi đáng kể trong hoạt động khi một đứa trẻ ngừng chơi với những thứ yêu thích, ngừng phản ứng với những thứ mà nó đã từng phản ứng”. (Ảnh minh họa)

Các em có vẻ ít năng lượng hơn hoặc dễ mệt mỏi. Và chúng có thể bắt đầu phàn nàn về các triệu chứng thể chất, đặc biệt là đau bụng và đau đầu. Chúng có thể ngủ nhiều hơn – hoặc ít hơn – hoặc mất cảm giác thèm ăn.

Một đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo có thể bị trầm cảm nếu chúng có những đợt tantrum (bùng nổ cảm xúc giận dữ) hằng ngày, với những hành vi có nguy cơ gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác. Trầm cảm “có thể trông giống như một vấn đề về hành vi nhưng thực sự được thúc đẩy bởi những gì đứa trẻ đang cảm thấy bên trong”, tiến sĩ Egger giải thích.

Bạn có nên lo lắng về nguy cơ tự tử ở trẻ?

Sự cáu kỉnh và tức giận – hoặc sự trầm lắng và im lặng – có thể là dấu hiệu của nỗi buồn sâu sắc. Và trong khi nỗ lực tự tử của trẻ em ở độ tuổi tiểu học là rất hiếm, chúng vẫn xảy ra và đã gia tăng trong những năm gần đây.







Xem thêm  Cô con gái 13 tuổi bị chê có thân hình "bốc mùi", sau khi khám, bác sĩ giận dữ tố người mẹ quá vô trách nhiệm
-->







Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em Mỹ từ 10 đến 14 tuổi vào năm 2018, và một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ năm 2019 cho thấy số trẻ em Mỹ đến phòng cấp cứu do có ý định hoặc hành động tự sát ngày càng tăng từ năm 2007 đến năm 2015, lên 41% ở trẻ em dưới 11 tuổi. Sự hiện diện của ý nghĩ tự tử nên được xem như một lời kêu cứu.

Tiến sĩ Kovacs cho biết câu chuyện hoang đường nhất về tự tử là nỗi sợ “nếu bạn hỏi về việc tự tử, bạn đang đưa ý tưởng này vào đầu chúng”.

“Nếu bạn đang đối phó với một đứa trẻ mà tự tử không phải là vấn đề, chúng sẽ chỉ nhìn chằm chằm vào bạn như thể bạn đang mất trí”, Tiến sĩ Kovacs nói. “Bạn không thể làm hại ai khi hỏi họ như vậy”.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ em nói rằng chúng đã nghĩ đến việc tự tử? Đối với người lớn, điều này cho thấy đứa trẻ đang sống với nỗi đau và có lẽ đang nghĩ về một lối thoát. Tiến sĩ Kovacs cho biết trẻ em có thể tưởng tượng cái chết là “một sự giải thoát, một sự xoa dịu, một sự nhẹ nhõm”.

Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn hóa ra cũng xuất hiện ở trẻ em: Những con số đáng báo động và dấu hiệu nhận biết - Ảnh 3.

Trầm cảm “có thể trông giống như một vấn đề về hành vi nhưng thực sự được thúc đẩy bởi những gì đứa trẻ đang cảm thấy bên trong”, tiến sĩ Egger giải thích. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Busman nói rằng cô đã làm việc với những đứa trẻ nói rằng: “Cháu không muốn tự sát nhưng cháu cảm thấy rất tệ, cháu không biết phải làm gì và nói gì”.

Nếu một đứa trẻ nói về việc muốn chết, hãy hỏi xem chúng có ý gì khi nói vậy và tìm gặp nhà trị liệu nếu bạn lo lắng. Một câu nói như vậy có thể là một tín hiệu thực sự cho thấy một đứa trẻ đang cần sự giúp đỡ, vì vậy đừng gạt bỏ nó hoặc coi rằng đó là điều đứa trẻ chỉ nói để gây sự chú ý.

Điều trị có thể giúp ích như thế nào?

Jonathan Comer, giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Quốc tế Florida (Mỹ), cho biết: “Cha mẹ nên xem xét các triệu chứng của trẻ một cách rất nghiêm túc. Ở những dạng nghiêm trọng, mọi thứ sẽ dần trở nên tồi tệ hơn. Việc khởi phát bệnh sớm hơn có liên quan đến hậu quả tồi tệ hơn trong suốt cuộc đời”.

Trong một nghiên cứu năm 2016, Tiến sĩ Kovacs và các đồng nghiệp đã theo dõi quá trình trầm cảm bắt đầu từ thời thơ ấu và phát hiện ra các đợt tái phát sau này.

Căn bệnh tưởng chỉ có ở người lớn hóa ra cũng xuất hiện ở trẻ em: Những con số đáng báo động và dấu hiệu nhận biết - Ảnh 4.

Vì vậy, nếu bạn thấy những thay đổi như dừng vui chơi, cáu kỉnh hoặc buồn bã, mệt mỏi hoặc rối loạn giấc ngủ kéo dài trong hai tuần, hãy cân nhắc đưa trẻ đến gặp chuyên gia. (Ảnh minh họa)

Xem thêm  Con phạm lỗi, xử lý thế nào để ‘sai vẫn yêu’ và giúp con trưởng thành?

Vì vậy, nếu bạn thấy những thay đổi như dừng vui chơi, cáu kỉnh hoặc buồn bã, mệt mỏi hoặc rối loạn giấc ngủ kéo dài trong hai tuần, hãy cân nhắc đưa trẻ đến gặp một chuyên gia có kinh nghiệm với các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ trong độ tuổi đó. Bắt đầu với bác sĩ nhi khoa, người sẽ biết về các nguồn lực sẵn có trong khu vực.

Theo tiến sĩ Busman, cha mẹ nên yêu cầu đánh giá sức khỏe tâm thần toàn diện, bao gồm thu thập lịch sử từ phụ huynh, dành thời gian tìm hiểu trẻ và nói chuyện với nhà trường. Đánh giá nên bao gồm các câu hỏi về các triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng như tìm kiếm các vấn đề khác, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc lo lắng, có thể là căn nguyên của sự lo lắng của trẻ.

Tiến sĩ Comer cho biết: Điều trị sớm có hiệu quả. “Có bằng chứng tuyệt vời về phương pháp điều trị tập trung vào gia đình đối với bệnh trầm cảm ở trẻ em – phương pháp này tập trung vào các tương tác trong gia đình và tác động của chúng đến tâm trạng”, Comer nói.

Với trẻ từ 3 đến 7 tuổi, các phiên bản của liệu pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái, được gọi là PCIT, thường được sử dụng – về cơ bản là huấn luyện cha mẹ, giúp họ nhấn mạnh và khen ngợi những gì tích cực trong hành vi của con cái.

Ngoài ra, cha mẹ nên cố gắng cho trẻ ra ngoài, đi dạo, chơi các trò chơi ngoài trời càng nhiều càng tốt, ngay cả khi trẻ không hào hứng với các hoạt động thường ngày của mình. Đối với người lớn, tập thể dục có lợi cho cả mặt tinh thần và mặt sinh học – không khí trong lành và ánh nắng mặt trời cũng vậy.

Trầm cảm không nhất thiết phải có những lời giải thích đơn giản về nguyên nhân và kết quả, nhưng Tiến sĩ Kovacs nhấn mạnh rằng với giai đoạn đầu tiên ở trẻ, hầu như luôn có một tác nhân gây căng thẳng cụ thể nào đó. Đó có thể là một sự thay đổi trong gia đình – cha mẹ ly hôn, cái chết của người thân – hoặc có thể là một điều gì đó tinh vi hơn, giống như một sự lo lắng đã vượt quá tầm kiểm soát. Nếu một đứa trẻ bắt đầu tham gia trị liệu, một phần của việc điều trị sẽ là xác định và nói về tác nhân gây căng thẳng đó.

(Nguồn: New York Times)

 

Theo soha.vn