Có Mắt Như Mù

Có Mắt Như Mù

- in Tư Duy Thú Vị
329
Related image

Tựa đề bài viết này mình viết theo đúng nghĩa đen, tức con người ta có mắt nhưng người ta không thấy thứ ở trước mặt họ. Trong nhiều bài viết trước mình đã nói đến việc con người bị cảm xúc lấn át, khiến họ không còn thấy những gì họ muốn thấy nữa. Đó là điểm mù gây ra bởi cảm xúc.

Và trong thời đại mạng xã hội hiện nay, chúng ta có thể thấy điều đó rõ ràng hơn bao giờ hết. Mạng xã hội là một nơi rất rất hay, bởi vì nó là nơi để mọi người bày tỏ cảm xúc, và đồng thời lại là nguồn dữ liệu khổng lồ, có thể nói là bất tận để đo các cảm xúc đó. Điều đó giúp chúng ta có thể nhìn sâu thẳm hơn vào con người hơn bao giờ hết và nó cũng cho thấy sự thiếu nhất quán giữa lý trí con người và cảm xúc của họ.

Mình viết bài này khi nhận thấy mọi người đang có xu hướng tẩy chay truyền thông. Họ thậm chí còn miệt thị nhà báo với câu chửi: “Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo”. Nhưng bản thân mình thấy rằng truyền thông hiện đại phản ánh bản chất chúng ta, những người hấp thụ thông tin. Truyền thông trở nên độc hại là vì chúng ta là những con người độc hại.

Những lứa 8x, 9x trở về trước sinh ra vào thời kì không có tivi và lớn lên cùng Google, Facebook, đó là một sự thay đổi quá lớn mà chúng ta không bắt kịp. Hậu quả là chúng ta dùng các công nghệ xịn nhất thế kỷ 21 này bằng tư duy cũ của 30, 40 năm trước. Điều đó khiến chúng ta bị mù.

Hãy tìm hiểu một số vấn đề sau. 

Mục lục

Những gì tôi thấy là tất cả những gì tồn tại

“What I see is all there is”

Việt Nam là một trong những quốc gia nghiện Facebook hàng đầu thế giới (như trong bài viết trước mình đã nêu ra), và một hệ quả không lường trước được đó là mọi người nhìn thế giới qua Facebook. Bạn có nhớ câu nói vui trong giới chạy quảng cáo Google chứ: “Nếu muốn giấu một xác chết, hãy giấu nó ở trang 5 trên Google.” Chúng ta có thể áp dụng logic tương tự cho Facebook: không thấy trên Facebook tức là không tồn tại.

Ví dụ có lần mình tham gia vào một cuộc nói chuyện, thì nhiều người lên tiếng nói rằng truyền thông phương Tây là lũ hai mặt, khi có xả súng ở Paris hay khủng bố ở Đức thì cầu nguyện rầm rộ, đổi hình đại diện, rồi đăng dòng tin: “Pray for Paris”, “Pray for Boston”, mà khi ở Nga có rớt máy bay chết cả trăm người thì không ai làm gì.

Mình liền hỏi lại:

“Có thể là vì trong Facebook của ông không có bạn nào người Nga và ông không theo dõi báo Nga?”

Câu hỏi của mình khiến bạn kia suy nghĩ. Rõ ràng mọi thứ rất là hiển nhiên: Facebook là của Mỹ, và trên đó người dùng Việt Nam ngoài theo dõi báo Việt thì còn theo dõi báo Tây Âu là chính. Các tin tức dịch ở Việt Nam đa số cũng dịch từ báo Âu Mỹ, cho nên chúng ta chỉ toàn thấy tin về Âu Mỹ. Thử hỏi trong các người dùng Facebook trên Spiderum này bao nhiêu bạn theo dõi báo Le Monde của Pháp hay báo Prava của Nga. Trong nhiều người chúng ta còn để mặc định giao diện Facebook là tiếng Anh. Facebook cũng thấy người dùng Việt thích đọc tin về Mỹ, Úc, Tây Âu nên cũng ưu tiên cho thuật toán hiện toàn các tin đó. Nên chuyện chúng ta bị tràn ngập tin từ Tây Âu, Bắc Mỹ là chuyện hiển nhiên. 

Chúng ta chỉ nhìn thế giới qua một khung cửa hẹp như thế nên chúng ta đánh giá thế giới rất hạn hẹp. Và tệ hơn, nhiều người không biết tiếng Anh thì đọc báo dịch lại, góc nhìn còn hẹp hơn nữa. Chúng ta vô tình quên mất thế giới thực rộng hơn thế. Cho nên, nếu chúng ta không thấy có tổ chức cầu nguyện “Pray for Moscow” hay là trang tin về đánh bom ở Trung Đông, có thể không phải là vì báo không đưa tin, mà họ đưa tin nhưng chúng ta không biết. Và một cách thuận tiện, thứ chúng ta không biết, không thấy thì liền nghĩ là nó không tồn tại. Rõ ràng Facebook là thế, đó là môi trường không khuyến khích chúng ta nghĩ sâu mà phải nghĩ nhanh. 

Khi bạn bắt đầu đưa ra nhận định về thế giới này nọ, bạn hãy nhớ rằng ở ngoài kia có 7 tỷ người. 

Xem thêm  Về con khỉ đi thỉnh kinh của Ngô Thừa Ân

Ai dắt mũi ai?

Có một ảo tưởng phổ biến đó là báo chí dắt mũi người đọc, và khiến cho người đọc tin theo một chiều nào đó. Thật ra ảo tưởng này có từ rất rất lâu, từ thời báo chí ra đời. Nó trở nên phổ biến khi phong trào Cộng sản lan rộng ra toàn cầu đầu thế kỷ 20, những người cộng sản là những người luôn nói rằng truyền thông phương Tây là công cụ của giới tư bản nhằm tẩy não dân chúng. 

Từ đó trong tiềm thức chúng ta tin rằng truyền thông phương Tây luôn thiên vị cho họ, dành sự ưu ái cho xã hội của họ. Ví dụ mỗi khi có sự kiện nào đó chúng ta lại hay có so sánh, ví dụ ở Mỹ có đánh bom là lập tức sẽ có người lên tiếng: “Sao ở Trung Đông dân thường ăn bom đạn chết hằng ngày mà không ai khóc hay cầu nguyện”. Gần đây thì là việc so sánh vụ cháy ở Vương Cung Thánh Đường Paris và vụ cháy rừng ở miền Trung. Mọi người đều lên tiếng chỉ trích báo chí, truyền thông. 

Nhưng thực chất là sao?

Hãy đọc đoạn trích sau từ bài đăng “Tại sao cái những cái chết ở Paris thì thu hút nhiều sự chú ý hơn là những cái chết ở Beirut” báo Guardian của Anh:

Đã có nhiều tiếng nói cất lên chỉ trích rằng sự kiện Paris bị tấn công thì nhận được nhiều sự chú ý hơn các vụ tấn công tương tự ở Li-băng hay I -rắc, và truyền thông quốc tế thì nhạy cảm hơn với những sự mất mát của người da trắng hơn người khác. Về nguyên tắc thì đây là một sự chỉ trích đúng đắn. Trong thế giới lý tưởng chúng ta sẽ quan tâm tới mọi cái chết như nhau, nhưng bản chất con người chúng ta không làm vậy. Chúng ta không làm vậy không phải là vì chúng ta coi thường mạng sống của người khác, mà là vì có những giới hạn đặt ra khiến chúng ta quan tâm đến cái gì, ví dụ như sự kiện đó ở gần hay xa nhà chúng ta, và cách nó thu hút sự chú ý của chúng ta.

Đúng, truyền thông thì không khách quan, nhưng chúng ta, những người theo dõi tin tức, cũng là thủ phạm tiếp tay cho vụ này, truyền thông hiện nay không phải là thông tin đi một chiều, tin tức được gửi từ một hướng và ép người đọc phải đọc theo hướng đó. Người dùng chúng ta quyết định hướng đi của truyền thông nhiều hơn trước đây. Mạng xã hội, và quan trọng hơn, là việc nó cho phép các tổ chức đánh giá được tin tức nào sẽ hấp dẫn người dùng, thu hút sự chú ý, có tính lan truyền cao, cả hai thứ này khiến người dùng cũng đồng lõa trong việc làn tin giống như người làm truyền thông vậy. Thậm chí sức ảnh hưởng của họ còn lớn hơn báo chí. Có một chút gì đó là cực đoan độc hại, thậm chí là đạo đức giả, khi đổ hết lỗi lên truyền thông, trong khi truyền thông thực chất chỉ là phản ánh những gì chúng ta nói và làm. Sự kiện đánh bom ở Beirut thực ra được truyền thông đưa tin rất nhiều, nhưng tin tức đó không được người dùng lan truyền đi hay hứng thú theo dõi. 

Kể thêm chuyện bên lề, khi vụ cháy ở Paris xảy ra trang tin BBC cập nhật tình hình trên Facebook, mình có vào theo dõi bình luận. Mình thấy một người đã vào đặt câu hỏi: “Sao có vụ cháy ở thánh đường ở Cairo, Ai Cập mà không ai đưa tin?” Lập tức có người đã hỏi: “Nếu không đưa tin sao anh biết có vụ cháy ở đó khi anh không ở đó?” Và người hỏi là người da trắng, nên mình nghĩ anh ta cũng biết tin từ một trang báo phương Tây. 

Trong sách “Ai cũng nói dối – Internet cho chúng ta thấy chúng ta là con người như thế nào” (Everybody lies – What the Internet can tell us about who we really are) của hai nhà nghiên cứu Seth Stephens và Davidowitz có kể về một kết quả nghiên cứu về truyền thông. Cuộc nghiên cứu này được thực hiện bởi hai nhà kinh tế học là Gentzkow và Shapiro để tìm hiểu xem ai tác động lên ai: truyền thông tác động lên người đọc hay người đọc tác động lên truyền thông. 

Sử dụng dữ liệu lớn và các phân tích máy học, cả hai nhà nghiên cứu kết luận rằng mặc dù các ông chủ giàu có là người sở hữu các tờ báo lớn, nhưng đa số các tờ báo này viết theo thị hiếu người đọc, tức họ tìm kiếm người đọc thích đọc về gì và họ viết về cái đó. Điều đó khiến người đọc thích và tương tác với kênh truyền thông đó nhiều hơn. Đây là một kết quả nghiên cứu lớn, thay đổi góc nhìn của xã hội, biệt là những người theo chủ nghĩa Marx, vì họ luôn tin rằng truyền thông tư bản dắt mũi dư luận. Và nó đồng thời cũng cho thấy sức mạnh của dữ liệu lớn, thứ giúp con người đo được những thứ tưởng chừng như không thể đo được như cảm xúc của người khác.

Quay lại vấn đề cháy ở Paris và cháy rừng ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Mình tin rằng báo chí Việt Nam đưa tin rất nhiều về hai vụ cháy, ngày nào mình cũng đọc báo và tờ báo nào mình đọc cũng đưa tin về vụ này. Do đó, mình nghĩ ai đó bảo rằng truyền thông không chịu đưa tin hay đưa tin ít hơn ở vụ cháy là không đúng. Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là: 

Xem thêm  hãy cứ yêu người mà ta cảm thấy yêu thôi.

– Tại sao tin cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh lại bị quan tâm ít hơn?

Tin vào thứ chúng ta muốn tin

Trước khi vội vàng lao vào tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trên, ta hãy dừng lại lùi một bước và tự hỏi: “Làm sao chúng ta biết được tin cháy rừng ở miền Trung thì bị ít quan tâm hơn vụ cháy ở Paris?”  Thành thực mà nói chúng ta không thể biết được đúng không. Khi so sánh ít nhiều, chúng ta phải dựa vào số liệu cụ thể. Còn nếu chỉ dựa vào quan sát thì chúng ta mắc phải vấn đề như trong đoạn 1 nêu ra.

Mình thấy rất rất nhiều bài viết được chia sẻ về việc mọi người không quan tâm đến vụ cháy rừng ở miền Trung:

Rõ ràng những người này không thể biết được điều đó. Ở Việt Nam có hàng chục triệu tài khoản Facebook, nếu họ không vào dữ liệu của Facebook họ không thể biết được điều đó. Thậm chí, sao chúng ta không nghĩ rằng tin cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh còn được quan tâm nhiều hơn cả vụ cháy ở Paris. Ví dụ bạn nhìn dưới lượt tương tác cho hai bài đăng này xem:

Trang báo Tuổi Trẻ có 2.2 triệu lượt thích khi đăng tin vụ cháy ở Paris thì có 8.4 nghìn lượt thích và 1.1 nghìn lượt chia sẻ.

Trang Thời sự VTV có lượt thích chỉ bằng 1 nửa báo Tuổi Trẻ là 1.1 triệu, khi đăng tin về vụ cháy rừng thì nhận được 57 nghìn lượt thích (gấp 7 lần bên báo Tuổi Trẻ) và 2.4 nghìn lượt chia sẻ (gấp 2 lần bên báo Tuổi Trẻ). 

Đáng ra mình nên so sánh tin đăng của cùng 1 trang tin tức nhưng tìm không ra nên dùng tạm tin đăng của hai trang khác nhau. Nhưng dẫu vậy so sánh này vẫn cho thấy các lập luận ở trên là sai hoàn toàn. Mà đây chỉ là phương pháp kiểm chứng thô, chứ chưa đụng vào dữ liệu lớn. 

Nên nhớ các nhà khoa học nghiên cứu truyền thông phải dựa vào hàng trăm gigabytes dữ liệu và được sự cho phép của Google, Facebook mới có thể đưa ra được kết luận là người đọc thích đọc tin gì, quan tâm tới tin gì. Còn những người dùng Facebook trên, họ bị hiệu ứng “những gì tôi thấy là những gì tồn tại” (What I see is all there is) nhắc trong đoạn đầu. Họ có định kiến sẵn, chỉ chờ sự kiện cháy xảy ra là họ xả hết ra trong đầu, đưa ra kết luận quy chụp vô căn cứ. Sau đó, một nhóm đông người khác cũng vào hưởng ứng. 

Thật là mỉa mai khi mình tìm kiếm tin về vụ cháy rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh thì xuất hiện cả trăm bài đăng, bài nào cũng có đoạn: “Không thấy ai quan tâm tới vụ cháy rừng”, trong khi ở dưới bài viết có hàng trăm, hàng nghìn người thích và bình luận. Rõ ràng mọi người tin vào thứ họ muốn tin, đó là họ tin rằng đám đông trên mạng thờ ơ, nông cạn, “đú trend” và đám cháy chỉ là phương tiện để họ bày tỏ niềm tin đó. Chứ họ chẳng hề đoái hoài đến việc kiểm chứng sự việc. 

Những người như họ phát tán tin tức, niềm tin sai lệch xong thì đi kết luận rằng truyền thông dắt mũi người đọc, đăng tin giả và kêu người khác hãy sáng suốt tỉnh táo khi tiếp cận tin tức.

Đó là hiện tượng mình nói có mắt như mù, mù vì định kiến, mù vì hạn hẹp nhận thức. 

Internet nói gì về chúng ta?

Internet cho chúng ta thấy những thứ chúng ta không muốn thấy về bản thân mình. Chúng ta không phân biệt được ranh giới giữa đâu là hiện thực phản ánh bản chất con người và những gì chúng ta muốn thành hiện thực. Chúng ta có những khao khát sâu thẳm bên trong nhưng luôn tỏ vẻ ngược lại bên ngoài. 

Xem thêm  Viết về một trang Facebook chính trị độc hại ở Việt Nam

(Thật ra còn nhiều lắm nhưng mình sẽ dành cho bài viết khác)

Hãy cân nhắc đoạn sau trích từ sách: “Ai cũng nói dối – Internet cho chúng ta thấy chúng ta là con người như thế nào”

Vào một buổi sáng ngày 5 tháng 9 năm 2006, Facebook giới thiệu một tính năng lớn mới cập nhật cho trang chủ của người dùng. Những phiên bản trước của Facebook chỉ cho phép người dùng nhấp vào thông tin của bạn bè họ để biết xem bạn bè họ đang làm gì. Trang web bấy giờ được coi là một thành công lớn với khoảng 9.4 triệu người dùng.

Nhưng sau nhiều tháng làm việc chăm chỉ, các kỹ sư ở đó đã tạo ra thứ mới gọi là “News Feed”, công cụ cho phép người dùng thấy được các hoạt động của bạn bè họ.

Người dùng lập tức nói rằng họ ghét News Feed. Ben Parr, một sinh viên ở Northwestern, đã tạo ra trang web “Học sinh phản đối news feed của Facebook”. Anh nói rằng “News feed là thứ quá biến thái, quá rình mò và nó phải biến mất”. Chỉ trong vài ngày, nhóm này có 700,000 thành viên tham gia lên tiếng phản đối. Một học sinh ở Đại học Michigan kể với tờ Michigan Daily: “Em vô cùng xoắn bởi tính năng mới này của Facebook. Em thấy mình như kẻ rình mò trộm.”

David Kirkpatrick chia sẻ lại truyện này trên lịch sử của trang Web, Hiệu Ứng Facebook: Bên trong công ty đang kết nối thế giới. Trong bài viết đó, ông kể rằng News Feed “là khủng hoảng lớn nhất mà Facebook đang đối mặt”. Nhưng Kirkpatrick cũng ghi chép rằng trong cuộc phỏng vấn với mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập cũng như người đứng đầu công ty đang lớn nhanh như thổi này, thì Mark không run sợ.

Lý do? Zuckerberg có quyền năng tiếp cận với kho báu sự thật: số lượng lượt nhấp chuột và lượng truy cập của người dùng Facebook. Kirpatrick viết: 

“Zuckerberg thực sự biết rằng mọi người thích News Feed, bất chấp những gì họ đang nói trong các nhóm phản đối. Anh ta có dữ liệu để chứng minh điều đó. Mọi người đang dùng Facebook nhiều hơn xét về mặt trung bình trước khi News Feed được tung ra. Và họ còn đang dùng nhiều – rất rất nhiều hơn nữa. Hồi tháng 8, trang web có khoảng 12 tỷ lượt truy cập. Nhưng đến tháng 10, khi tính năng News Feed đã trở nên quen thuộc, thì họ có 22 tỷ lượt truy cập.

[…]

Nói cách khác, trong khi mọi người đang tạo ra những nhóm lớn để phản đối, lên tiếng cho thấy họ khó chịu như thế nào khi thấy các hoạt động của bạn họ trên Facebook, thì họ vẫn đều đặn truy cập vào Facebook để coi bạn bè họ đang làm gì. News Feed vẫn tồn tại. Và bây giờ Facebook có hơn một tỷ lượt truy cập mỗi ngày.”

Khi bạn bắt đầu đưa ra nhận định về thế giới xã hội thông qua mạng truyền thông, hãy nhớ rằng bạn nằm trong đám đông mà bạn sắp chỉ trích.

– Nếu bạn chỉ trích truyền thông dắt mũi dư luận, hãy nhớ rằng có thể bạn đang dắt mũi người khác vì niềm tin của bạn hoặc bị người khác dắt mũi khi họ chửi truyền thông.

– Nếu bạn chỉ trích truyền thông đưa tin giả, hãy nhớ có thể tin giả đó được phát tán là nhờ lượt chia sẻ của bạn hoặc là vì bạn thích đọc tin giả.

– Nếu bạn chỉ trích người khác không quan tâm đến X, hãy nhớ rằng có những thứ Y người khác quan tâm mà bạn không quan tâm. Bạn quan tâm đến cháy rừng ở Hà Tĩnh nhưng có quan tâm đến hàng chục nghìn người dân ở Thủ Thiêm mất đất mất nhà 20 năm nay, gia đình ly tán, con bỏ cha mẹ, vợ bỏ chồng? Tôi có quyền gọi bạn là kẻ vô cảm không quan tâm tới đất nước nếu bạn nói: “Không”?

Cho nên trước khi chỉ trích, hãy tìm hiểu. 


Ủng hộ tác giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:

Tên: Phan Anh Tuấn

Số tài khoản: 152613748

Số thẻ: 9704321171180375

Ngân hàng: VPBank

Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh


Các bài tương tự


Sách nên đọc

You may also like

Nằm mơ thấy rắn vàng đánh lô đề con gì chính xác nhất hay nhất

Hãy cùng Muôn Màu theo dõi nội dung