Con gái kể chuyện bị nhóm bạn trong lớp cô lập, cách xử lý ngon ơ của bà mẹ ở Hà Nội khiến ai nấy đều đồng tình

Con gái kể chuyện bị nhóm bạn trong lớp cô lập, cách xử lý ngon ơ của bà mẹ ở Hà Nội khiến ai nấy đều đồng tình

- in Gia Đình
170

Chuyện những đứa trẻ đi học bị bắt nạt, bị cô lập thì quen thuộc lắm, thế hệ nào cũng có. Nhiều đứa trẻ là nạn nhân phải chịu sang chấn, tổn thương tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, nên làm gì khi con mình bị bắt nạt luôn là một câu hỏi nhức nhối mà nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa tìm được đáp án.

Là mẹ của một một bé năm nay học lớp 3 và một bé học lớp 1, chị Phạm Ngọc Bích (chuyên viên nhân sự) cho rằng, nếu con đã nhượng bộ bạn lần đầu thì sẽ có lần sau, lần sau nữa, và lần thứ n… Vì vậy, con không được bắt nạt ai và tuyệt đối không được phép để ai có thể bắt nạt mình.

Cùng tham khảo cách xử lý của bà mẹ ở Hà Nội này, biết đâu bố mẹ sẽ có thêm một phương án giải quyết nữa nếu “chẳng may” người bị cô lập là con cái của mình.

Con gái kể chuyện bị nhóm bạn trong lớp cô lập, cách xử lý ngơn ơ của bà mẹ ở Hà Nội khiến ai nấy đều đồng tình - Ảnh 1.


Chị Ngọc Bích và hai con.


Nếu một ngày con bị bắt nạt…

Từ ngày con còn nhỏ, mình vẫn bảo với 2 con rằng: Nếu một ngày con bị bạn bắt nạt, con sẽ cần trách mình đầu tiên. Tại sao? Vì bạn không thể tự dưng bắt nạt con, mà là do con đã tạo cơ hội cho bạn bắt nạt mình. Con đã nhượng bộ bạn lần đầu, thì sẽ có lần sau, lần sau nữa, và lần thứ n… Con không bắt nạt ai, nhưng tuyệt đối không được phép để ai có thể bắt nạt mình.

Bắt nạt học đường, không phải chỉ có những vụ đánh nhau, không phải chỉ có những vụ trấn tiền, nó muôn hình vạn trạng. Từ việc cùng nhau cô lập một người, cho đến việc dùng những ngôn từ kinh sợ để xúc phạm nạn nhân… nhằm hạ thấp giá trị bản thân con người, làm người bị bắt nạt sợ hãi trong mớ ý thức mơ hồ rằng mình là kẻ thất bại như chính những gì người khác nói. Vậy nên mới không thiếu những đứa trẻ tự tử.

Tháng trước, có 1 chuyện nho nhỏ xảy ra với con gái mình. Bạn về, kể cho mẹ nghe về việc có một nhóm 3 bạn trong lớp không cho các bạn khác chơi với con. Mình bận, đơn giản chỉ bảo: Mẹ thấy thế này, việc chơi hay không chơi với ai là quyền cá nhân của mỗi người, do người đó tự quyết định, không ai có quyền cấm hay can thiệp. Tất nhiên, trong một số trường hợp, con vẫn là con mẹ, mẹ sẽ có thể cân nhắc việc không đồng ý cho con chơi với bạn nào đó (nếu bạn đó xấu), còn bạn bè đồng trang lứa với con, không có quyền cấm các bạn khác chơi với con.

Sau đó vài hôm, bạn lại mang về một lá thư nhỏ, nội dung viết không cho bạn khác chơi với con gái mình. Mình hỏi thư ở đâu, con nói một trong ba bạn kia đưa con vào giờ ra chơi. Mình hơi bực, định bụng sẽ nói chuyện với cô giáo về việc này. Nhưng nghĩ một lát, mình hỏi con:

– Thế theo con việc chia bè phái này đúng hay sai?

– Con thấy sai!

– Thế con có tự nghĩ xem tại sao các bạn lại đối xử với con như vậy không??

– Con hỏi rồi, các bạn bảo thích thế thôi!

– Ý con là con chẳng gây ra lỗi gì, nhưng các bạn thích thì cấm bạn khác chơi với con phải không? Con chắc chắn chứ? Có bao giờ con làm gì đó để các bạn không muốn chơi với con không?

– Không mà. Các bạn ý thỉnh thoảng cũng cấm các bạn khác chơi với mọi người nữa. Ai muốn vào nhóm các bạn ý thì phải làm theo các bạn ý!

– Nhóm gì?

– Con không biết, hình như nhóm 3 bạn đó thôi ý mẹ.

– Thế con có thấy buồn không?













– Con không, con đầy bạn, con cần gì chơi với các bạn ý.

– Thế giờ thế nào? Con sẽ tự xử lý hay con muốn mẹ làm gì?

Nghĩ một lúc, con gái mình bảo: Con sẽ tự xử lý.

– Ok, mẹ đồng ý. Vì đây là việc cá nhân của con nên mẹ cũng không muốn can thiệp. Nhưng nếu con cảm thấy chưa thoả đáng, con vẫn không tự giải quyết được, con có thể nói với mẹ và đề xuất phương án muốn mẹ làm, mẹ sẽ cân nhắc.

Rồi, rất chuyên nghiệp, con mình mang toàn bộ mấy lá thư nộp cho cô, trình bày luận điểm abc, con thấy thế nọ con không đồng ý thế kia, các bạn làm như thế là sai, con muốn các bạn phải xin lỗi con….

Con gái kể chuyện bị nhóm bạn trong lớp cô lập, cách xử lý ngơn ơ của bà mẹ ở Hà Nội khiến ai nấy đều đồng tình - Ảnh 2.


 

Cuối cùng, mọi việc giải quyết êm thấm và đơn giản. Mình chẳng mảy may can thiệp. Chiều về thấy bạn ý nói cô yêu cầu 3 bạn lên để cô nói chuyện và các bạn đã xin lỗi con. Bạn ý nói thêm: Con bảo các bạn ý là thôi không sao, nhưng lần sau các bạn ý cũng không được bắt các bạn khác không chơi với người khác, không chỉ riêng mình con.

Sự việc bé xíu, nhưng mình thì ghi nhận sự độc lập trong giải quyết vấn đề của con gái. Mình tin rằng, sau này con sẽ luôn có cách để xử lý những việc phức tạp hơn nữa. Và mình, sẽ luôn là chỗ dựa cuối cùng của con, bảo vệ và che chở theo cách riêng của mình!

Chị Ngọc Bích chia sẻ thêm, nhiều mẹ nói mách cô con sẽ bị đánh hội đồng. Cá nhân chị nghĩ thế này: Với 1 đứa trẻ lớp 3 như con mình, tính chất trẻ con chưa có gì quá phức tạp, bản thân mình biết 3 bé kia khá ngoan, nhưng tụi nhỏ manh nha việc chia bè phái thì mình chưa nghĩ ra cách gì hiệu quả hơn là nói chuyện với cô.

Cá nhân mình là người khá sòng phẳng trong cuộc sống, thậm chí, mình cũng đã từng dạy con, nếu cô vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng, hoặc cô đã xử lý mà bạn vẫn bắt nạt, thì con cần phải dùng biện pháp mạnh hơn, như đánh lại kẻ bắt nạt mình.

Con gái kể chuyện bị nhóm bạn trong lớp cô lập, cách xử lý ngơn ơ của bà mẹ ở Hà Nội khiến ai nấy đều đồng tình - Ảnh 3.


Những đứa trẻ là nạn nhân phải chịu sang chấn, tổn thương tâm lý nặng nề nếu bố mẹ không có cách giải quyết, can thiệp hợp lý. (Ảnh minh họa)


Có vô vàn cách để đối phó với bạo lực học đường, nhưng việc lựa chọn đối tượng nào để áp dụng cách nào lại là một nghệ thuật. Bạn không thể đi mách cô 1 nhóm đầu gấu chuyên nghiệp chuyên đi đánh hội đồng. Thậm chí, đôi khi bạn phải chuyển lớp, chuyển trường cho con để chấm dứt tình trạng đó.

Tuy nhiên ở đây, mình ghi nhận cái “dám nói, độc lập” của con. Cuộc sống sẽ dạy con nhiều thứ hơn thế nữa, việc như chuyện hôm nay chỉ là một phần cực kỳ nhỏ trong cuộc sống, nhưng nó lại hữu ích và cần thiết để còn rèn bản lĩnh cũng như sự linh hoạt trong xử lý tình huống.

Chị Bích cho rằng, trong cuộc sống đời thường chị cũng không có quan điểm gì trong dạy con cả mà nuôi con bằng bản năng, chỉ hướng con thành người tử tế và tự hài lòng với những thứ mình có, đơn giản, hạnh phúc là được.

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/con-gai-ke-chuyen-bi-nhom-ban-trong-lop-co-lap-cach-xu-ly-ngon-o-cua-ba-me-o-ha-noi-khien-ai-nay-deu-dong-tinh-22202123216135398.htm

 

 

 

Theo ttvn.vn

Xem thêm  Một số người đã cố gắng hết sức chỉ để sống: Mẹ mắng nhiếc con vì đánh mất 5 tệ quý giá, người nhà bệnh nhân bất lực vì không còn tiền đóng viện phí

You may also like

Lời khuyên dành cho bà mẹ “không thể vượt qua được nỗi buồn không có con gái”, đánh trúng tâm lý nhiều người cùng cảnh

*Bài viết của tác giả Annalisa Barbieri trên