Vụ chìm tàu Titanic là một trong những sự kiện kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, và cũng từ đây có nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại về những số phận éo le được lan truyền trong đó phải kể đến câu chuyện về ông Ramon.
Từng gặp tai nạn trên biển, Ramon Artagaveytia sau đó đã sợ đến mức không dám đi biển 40 năm. Đến lúc ông đủ can đảm để trở lại thì số phận lại “trêu đùa” ông lần nữa.

Mục lục
Ám ảnh biển cả sau tai nạn chìm tàu
Theo thông tin từ Encyclopedia Titanica, Ramon Artagaveytia sinh năm 1840 tại Montevideo (Uruguay) và là con trai của một gia đình có truyền thống đánh cá trên biển nhiều thế hệ. Giáng Sinh năm 1871, Ramon đã may mắn sống sót sau một tai nạn chìm tàu America gần bờ biển Punta Espinillo, Uruguay. Con tàu này đã cố đua với một đối thủ khác, đích đến là bến cảng Montevideo và rồi sự cố xảy ra.

Vì đi quá nhanh nên nồi hơi của tàu chịu áp suất cao, dẫn đến vụ cháy. Con tàu có hơn 100 khoang hạng nhất, 20 khoang hạng nhì và 30 khoang phổ thông. Cuối cùng chỉ có 65 hành khách bao gồm Ramon sống sót. Ramon nhờ kỹ năng bơi lội giỏi đã nhảy xuống biển và thoát thân. Tuy nhiên, biến cố này vẫn khiến ông bị ám ảnh về biển cả và những con tàu nên Ramon quyết định sẽ không trở lại biển đến khi cảm thấy bình tâm.
Đi tàu trở lại sau hơn 40 năm
Năm 1912, Ramon quyết định sẽ đi tàu trở lại sau hơn 40 năm sợ hãi, con tàu ông chọn mang tên Titanic. Hai tháng trước khi chuyến đi định mệnh xảy ra, Ramon đã viết thư gửi một người em họ để nói về việc mình đã có thể vượt qua nỗi sợ và mong ước một chuyến đi bình an. Trong thư ông viết:
“Cuối cùng thì anh cũng đủ can đảm để quay lại với các con tàu và ngủ yên giấc. Anh chưa bao giờ quên vụ chìm tàu America. Những cơn ác mộng về nó luôn khiến anh sợ hãi. Những âm thanh kêu cứu cứ vang vọng trong giấc mơ. Rồi anh thấy mình đứng trên thành tàu, mặc chiếc áo phao để chuẩn bị nhảy xuống”. (Trích Encyclopedia Titanica)

Trong lá thư, ông cũng thể hiện sự lạc quan khi Titanic có hệ thống liên lạc điện báo không dây mới. Bởi trong vụ đắm tàu trước kia, chẳng ai nhìn thấy đèn kêu cứu cả. Nên ông tin rằng với hệ thống mới này thì chuyến đi sẽ yên bình bởi từ tàu có thể liên lạc ngay lập tức với cả thế giới. Ramon đặt vé tàu ngày 10/4/1912 tuy nhiên số phòng của ông vẫn là một ẩn số, bởi không ai tìm thấy nó trong danh sách phòng.
Titanic là cái kết cho mọi sự sợ hãi
Vào đêm định mệnh của tàu Titanic, Ramon đang đứng quan sát trên boong tàu cùng hai chú cháu người Argentina. Bọn họ đã cười một hành khách khác – Julian Padron Manent (người đã sống sót) khi ông quan trọng hoá vụ va chạm. Khi Julian bảo rằng mình chuẩn bị rời khỏi tàu thì Ramon và 2 người kia đã cho rằng hành động này thật không thông minh chút nào và có thể còn bị cảm lạnh bởi nước biển ở khu vực này có nhiệt độ rất thấp.

Tuy nhiên đây chỉ là lời kể của Julian, một phiên bản khác được hành khách khoang hạng nhất – Elmer Zebley Taylor thuật lại là hai chú cháu người Argentina đã rất sợ hãi. Elmer và vợ đã chạy lại bắt tay, động viên họ dù hai người không hiểu tiếng Anh. “Trên mặt họ hiện lên nỗi sợ hãi mà sẽ ám ảnh tôi đến suốt cuộc đời”, Elmer chia sẻ với báo chí khi ấy. Dù sao đi chăng nữa, Ramon và hai chú cháu kia đã mất tích trong vụ chìm tàu. Cũng theo Encyclopedia Titanica, xác của Ramon được tàu cứu hộ MacKay-Bennett kéo lên từ biển Bắc Đại Tây Dương một tuần sau tai nạn của Titanic.

Sự không may mắn của Ramon Artagaveytia cho thấy cuộc đời này luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Bạn đủ dũng cảm để đối diện với nỗi sợ nhưng đôi khi đó lại là một quyết định sai lầm. Tuy nhiên đến nay, câu chuyện về Ramon Artagaveytia chỉ là tin đồn, là những giai thoại, chưa được các báo chính thống xác nhận. Nhưng, mọi người vẫn chia sẻ khá nhiều bởi tính chất đúng chuẩn “số nhọ” và các tình tiết khó quên của nó.
Nguồn: Encyclopedia Titanica.